| 06/11/2017 21:21
KHPTO - Theo NCS. Lại Thế Luyện, nếu muốn có công việc tốt trong tương lai, ngay từ khi còn ở trường đại học, mỗi sinh viên cần quan tâm đến việc học hỏi và rèn luyện các kỹ năng mềm. Dưới đây là một số biện pháp.
Tự nhận thức các thiếu hụt về kỹ năng niềm của bản thân: Kỹ năng mềm không phải là năng khiếu bẩm sinh, nên mỗi sinh viên đều có thể học hỏi, tiếp thu và rèn luyện để đạt được. Sinh viên khối ngành kinh tế trước hết phải xác định rõ công việc mình muốn làm sau khi ra trường, sau đó phân tích xem đối với công việc đó, đâu là kỹ năng "cứng", đâu là kỹ năng "mềm". Việc xác định rõ "mềm", "cứng" và nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, những mặt thiếu hụt của bản thân là yêu cầu đầu tiên và rất quan trọng để rèn luyện, trau dồi các kỹ năng mềm.
Chủ động xây dựng một kế hoạch học hỏi, rèn luyện kỹ năng niềm cho bản thân: Kỹ năng mềm trong cuộc sống được hình thành từng ngày, từng giờ trong đời sống của mỗi người. Do đó, rèn luyện kỹ năng mềm cần được nghiêm túc nhìn nhận là một quá trình tích lũy. Mỗi sinh viên cần dựa trên những khả năng của bản thân, mục tiêu nghề nghiệp cụ thể trong tương lai để xây dựng kế hoạch, lộ trình rèn luyện các kỹ năng mềm cho bản thân mình qua mỗi học kỳ và mỗi năm học. Để từ nay cho đến khi ra trường, bạn sẽ tự tin với năng lực của mình cùng với bộ hồ sơ tìm việc hoàn hảo, đặc biệt là các kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Đa dạng hóa các hình thức học hỏi, phương pháp luyện kỹ năng mềm: Các chuyên gia quản lý nhân sự giàu kinh nghiệm khẳng định: Cách tốt nhất để trau dồi kỹ năng mềm là phải luyện tập, học hỏi thường xuyên, tạo cho mình một phản xạ tức thời mỗi khi gặp các tình huống cần thiết. Sinh viên có thể tham gia các khoá học kỹ năng mềm tại các trung tâm phát triển kỹ năng của các trường đại học, hoặc cũng có thể tham gia học kỹ năng mềm trực tuyến tại cổng đào tạo trực tuyến...
Sinh viên không thể thành thạo các kỹ năng mềm này chỉ sau một vài khóa học mà cần được trau đổi hàng ngày qua quá trình làm việc và đúc kết kinh nghiệm thực tế của chính bản thân mình. Bên cạnh đó, sinh viên cũng không nên quan niệm rằng, việc học kỹ năng mềm giống như việc học những môn lý thuyết khác, mà nên học từ những người có kinh nghiệm thực tế thông qua việc tiếp cận, nói chuyện và chia sẻ với họ. Sau đó, hãy biết vận dụng một cách linh hoạt vào thực tể và biến những kỹ năng đó trở thành kỹ năng của chính mình.
Các phương pháp học hỏi, rèn luyện kỹ năng mềm của sinh viên cần đa dạng: thảo luận, phân tích trường hợp điển hình, giải quyết các tình huống, đóng vai, chơi trò chơi mô phỏng, bày tỏ ý kiến. . .
Học tập, rèn luyện kỹ năng mềm mọi lúc, mọi nơi: Kỹ năng mềm được tích lũy từ quá trình đi học, đi làm và cả khi tương tác với các mối quan hệ khác trong cuộc sống. Cho nên, kỹ năng mềm có thể được học hỏi, rèn luyện mọi lúc, mọi nơi và không chỉ bó hẹp trong phạm vi chương trình đào tạo của các trường đại học. Khóa học kỹ năng mềm ở trường đại học chỉ cung cấp những nội dung cơ bản nhất và giúp sinh viên nhận thức đúng đắn về vấn đề kỹ năng mà khóa học đề cập.
Theo các chuyên gia, rất nhiều những kỹ năng mềm có thể được tích luỹ hay nâng cao trong thời gian làm việc qua các trải nghiệm thực tế. Nói cách khác, kỹ năng mềm là kỹ năng mà con người chỉ có thể hoàn thiện thông qua trải nghiệm và thực hành suốt thời gian dài. Nếu bạn không thường xuyên tiếp xúc với mọi người, không giao tiếp và sử dụng những kỹ năng đã được học, thì tất cả sẽ chỉ là lý thuyết, thiếu thực tể. Cho nên, sinh viên có thể tình nguyện tham gia vào nhiều công việc khác nhau, các hoạt động thiện nguyện của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, tham gia hoạt động xã hội, các câu lạc bộ kỹ năng mềm, tham gia các tổ chức hoạt động từ thiện... và coi dó là những cơ hội tốt để rèn luyện kỹ năng mềm cho bản thân.
NCS. Lại Thế Luyện cho rằng, hoạt động cá nhân là yếu tố có tính quyết định đối với sự phát triển nhân cách của con người nói chung, của người lao động nói riêng. Với sinh viên khối ngành kinh tế hiện nay cần có ý chí cầu tiến, sẵn sàng thay đổi bản thân, tích cực tìm tòi, học hỏi và tự rèn luyện kỹ năng mềm cho chính mình, với nhiều cách khác nhau, sao cho phù hợp với điều kiện của bản thân và định hướng nghề nghiệp tương lai.
Việc chủ động học hỏi, rèn luyện các kỹ năng mềm sẽ giúp sinh viên đạt đến thành công trong thời gian học tập ở nhà trường lẫn sau khi ra trường. Qua đó, mỗi sinh viên không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà tuyển dụng lao động mà còn có thể chủ động xây dựng sự nghiệp kinh doanh riêng cho bản thân mình. Việc chủ động học tập và rèn luyện các kỹ năng cần thiết còn giúp mỗi cá nhân dễ dàng thích ứng với việc chuyển đổi linh hoạt sang các vị trí công việc mới, hoặc đảm nhận các trách nhiệm mới - do tình hình thực tế đòi hỏi.