(HNM) - Có thể nói, việc dạy kỹ năng mềm của sinh viên ở các trường đại học tại khu vực phía Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, dẫn đến chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, việc chuẩn hóa đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên đang là vấn đề cấp thiết.
Lý Thị Thu Thảo, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Sài Gòn cho hay: “Được đi thực tập nhiều lần tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố, em thấy việc trang bị kỹ năng mềm là rất cần thiết. Nhiều khi vào lớp, nếu giáo viên không có kỹ năng mềm thì không thể thuyết phục được học sinh”. Tương tự, N.T.U, sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: "Vừa qua, em có đi phỏng vấn, tiếp xúc với nhà tuyển dụng và doanh nghiệp mới thấy mình quá thiếu kỹ năng mềm. Nếu như trước đó, em nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng mềm thì đã rèn luyện thật tốt...".
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam, hiện nay có đến 83% sinh viên tốt nghiệp ra trường bị đánh giá là thiếu kỹ năng mềm, 37% sinh viên không tìm được việc làm phù hợp do kỹ năng mềm yếu. Cô L.T.M.H, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Khi đứng trước các vấn đề đặt ra trong cuộc sống và học tập, chỉ có một số sinh viên có khả năng đương đầu và xử lý tốt, còn lại đa số lúng túng, không biết cách giải quyết hiệu quả”.
Trong khi đó, ông Trần Trọng Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vinapo đánh giá: “Có đến 90% sinh viên sau khi ra trường hầu như không có kỹ năng mềm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến mỗi năm có trên 400.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm. Ngoài ra, có đến 86% ý kiến cho rằng doanh nghiệp của họ phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng vì kỹ năng mềm không có”.
Tại hội thảo về “Các giải pháp và mô hình tiêu chuẩn của việc rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố” cuối tháng 1-2019 vừa qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh thẳng thắn nói: “Thực tế không ít trường hợp lừa sinh viên học kỹ năng mềm để xin dữ liệu của họ, có trường hợp lấy kỹ năng mềm nói chuyện miễn phí để bán hàng đa cấp…”.
Còn nghiên cứu sinh, Thạc sĩ Lại Thế Luyện, Trường Đại học Tài chính - Marketing TP Hồ Chí Minh cho biết, giảng dạy kỹ năng mềm cho sinh viên được không ít trường đại học thực hiện từ năm 2010 đến nay. Tuy nhiên, việc tổ chức, đào tạo và học tập kỹ năng mềm tại nhiều nơi còn mang tính tự phát, thiếu khoa học, chưa thống nhất...
Theo nghiên cứu sinh, Thạc sĩ Lại Thế Luyện, không những sinh viên cần thay đổi nhận thức về vai trò của kỹ năng mềm mà nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục cũng cần thay đổi nhận thức về vấn đề này; đồng thời có những hành động tích cực, chuẩn hóa các quy định về đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên trong đổi mới cơ cấu chương trình và phương pháp đào tạo thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thạc sĩ Ngô Thị Dung, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong điều kiện môi trường biến động nhanh hiện nay, các cơ sở đào tạo đại học cần đào tạo ra những sinh viên có khả năng thích ứng cao. Muốn vậy cần đổi mới mạnh mẽ về chương trình và phương pháp đào tạo, chú trọng nhiều hơn các môn học kỹ năng. Các trường đại học cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng mềm cần thiết, lồng ghép các kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo...
Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh cho rằng, giảng dạy kỹ năng mềm khác nhiều so với các môn khoa học thuần túy, đòi hỏi giảng viên phải có kiến thức chuyên môn, am hiểu tâm lý lứa tuổi, có kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế. Như vậy, giảng viên ngoài việc biết tổ chức, quản lý lớp, bản thân họ phải là người có kỹ năng mềm!
https://hanoimoi.vn/chuan-hoa-dao-tao-ky-nang-mem-550286.html